Chưa đền bù, giải phóng mặt bằng xong vẫn giao đất cho doanh nghiệp “om”
Khu đất CCN Đồng Tâm nằm ở vị trí đắc địa, giáp Quốc lộ 21 và đường Tam Chúc đi Bái Đính (tỉnh Ninh Bình). Mặc dù dự án này chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng nhưng đã giao cho nhiều đơn vị thuê đất.
Trả lời PV Báo Lao Động, Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện Lạc Thủy cho biết, đến thời điểm 8.12.2021 đã tổ chức giải phóng mặt bằng được 30,39 ha.
Trong đó, diện tích thuộc CCN trước khi được điều chỉnh mở rộng thu hồi được 13,33 ha (trong tổng số 22,853 ha được phê duyệt). Diện tích CCN sau khi được điều chỉnh thu hồi được 17,6 ha (trong tổng số 51,3 ha được phê duyệt mở rộng)
Mặc dù chưa hoàn thành xong phần đền bù giải phóng mặt bằng nhưng UBND tỉnh Hòa Bình vẫn tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho một số công ty thuê đất.
Cụ thể, ngày 21.5.2018, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho Công ty Cổ phần nhựa Thái Hưng thuê đất (đợt 1) thực hiện dự án đầu tư Nhà máy nhựa bao bì Thái Hưng, chuyển 20.603,6 m2 đất các loại sang sử dụng đất CCN và giao 20.133,7m2 cho Công ty cổ phần nhựa Thái Hưng thuê đến 25.8.2067; Quyết định 2263/QĐ-UBND ngày 1.10.2018 chuyển 47.578,9m2 đất sản xuất nông nghiệp sang đất cụm công nghiệp và giao 47.644 m2 cho Công ty TNHH K&G thuê đến 19.1.2068.
Tất cả các quyết định cho thuê đất này, UBND tỉnh Hòa Bình đều nêu rõ: Trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, các doanh nghiệp phải đưa đất vào sử dụng.
Trường hợp doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, các doanh nghiệp này được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này;
Hết thời gian được gia hạn mà các doanh nghiệp vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất (theo quy định tại Điểm i Khoản l Điều 64 Luật Đất đai 2013).
Thế nhưng, đến nay, dù chưa thấy nhà máy nào xây dựng, đất đai vẫn không bị thu hồi.
Gần 74 ha đất có thể được giao không qua đấu giá
Đối với diện tích đất sau mở rộng, ngày 22.6.2021, Công ty HDT đã có hồ sơ đề nghị thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất tới Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, ngày 5.7.2021, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 1919/STNMT-QLĐĐ về việc thẩm định nhu cầu đất, điều kiện cho thuê đất tại dự án điều chỉnh, mở rộng CCN Đồng Tâm.
Tại văn bản này, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình kết luận và kiến nghị: Công ty TNHH HDT xin thuê 739.655,8 m2 (73,96ha) đất tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình để thực hiện dự án điều chỉnh, mở rộng CCN Đồng Tâm là phù hợp với tiêu chuẩn định mức sử dụng đất. Quỹ đất của địa phương đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của dự án. Về điều kiện cho thuê đất, Công ty HDT đủ điều kiện và năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ đầu tư của dự án.
Trao đổi với Lao Động, Luật gia Nguyễn Gia Hải – Công ty Luật TNHH Thái Hà, bày tỏ quan điểm: “Điểm b Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất thì Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê.
Như vậy, đối với các chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại CCN nên thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tránh thất thoát tài sản của Nhà nước”.
Có thể thấy, xoay quanh dự án CCN Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình có rất nhiều nghi vấn từ tiến độ triển khai dự án, quá trình chuyển nhượng dự án, quá trình mở rộng, xây dự án cũng như năng lực của các chủ đầu tư.